Aqua Pro
091 307 8556 Hotline
info@thuocthuysanaquapro.vn Email liên hệ
» » Nghề nuôi tôm theo hướng bền vững - Kỳ 2: Dinh dưỡng cho tôm trong ao nuôi (phần 4 - các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng)

Nghề nuôi tôm theo hướng bền vững - Kỳ 2: Dinh dưỡng cho tôm trong ao nuôi (phần 4 - các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng)

Trong quá trình nuôi, nếu chỉ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng (đã nói ở những phần trước) cho con tôm là chưa đủ. Một vấn đề quan trọng bà con cần phải chú ý đó là cơ chế tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng đó trong cơ thể con tôm như thế nào?

Sau khi tôm ăn, thức ăn vào trong dạ dày không phải được hấp thu ngay, nó còn phải trải qua một quá trình chuyển hóa để tạo thành các chất khác mà cơ thể có thể sử dụng được. Trong dạ dày, dưới tác dụng của các men (proteaza) trong môi trường acid, protein trong thức ăn được thuỷ phân thành các polypeptid.

Cấu tạo hệ thống Gan tụy và đường ruột của tôm

Polypeptid từ dạ dày tiếp tục được chuyển xuống ruột và được hệ thống men phân giải thành các axit amin. Các thành phần này được hấp thu vào máu và lại được chuyển hoá theo các hướng chủ yếu như sau:

  • Tổng hợp thành protein mới của các mô mới thay thế protein cũ không ngừng bị phân giải hoặc tham gia tạo thành các chất đặc biệt có chứa hormon, enzyme.
  • Tạo thành glucogen dự trữ trong cơ thể
  • Phân giải giải phóng năng lượng, tạo thành CO2, H2O và các sản phẩm có chứa nitơ khác. Sản phẩm bài tiết chủ yếu của động vật thủy sản là ammonia, ngoài ra còn có một số hợp chất hữu cơ chứa nitrogen khác.

Như vậy, chìa khóa cho sự chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng (protein) xảy ra bên trong con tôm chính là sự có mặt của các enzyme tiêu hóa. Các enzyme này được sản sinh từ hệ thống gan tụy, từ dạ dày và đường ruột của con tôm. Đây chính là một trong những chức năng hết sức quan trọng của hệ thống gan tụy và đường ruột của con tôm.

Nếu các chức năng của gan và hệ thống đường ruột tôm bị suy giảm thì việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đã nói ở các phần trước hoàn toàn không có ý nghĩa. Sức khỏe của tôm sẽ ngày càng suy giảm và tỷ lệ chết sẽ rất cao.

Những phân tích trên cho thấy, tăng cường chức năng và bảo vệ gan tôm luôn được tốt. Đồng thời hỗ trợ chức năng và bảo vệ đường ruột của con tôm là điều hết sức quan trọng trong quá trình nuôi tôm.

Sử dụng các chế phẩm tăng cường chức năng gan cho tôm

Đối với gan tụy của tôm, nó là một cơ quan rất quan trọng, đảm trách nhiều chức năng trong cơ thể. Ngoài việc sản sinh các loại men để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Nó còn có chức năng tổng hợp protein huyết tương, chuyển hóa các chất dinh dưỡng được hấp thu từ ruột, sản sinh ra các enzyme để điều hòa các hoạt động sinh lý và loại thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Nhiều phản ứng sinh hóa quan trọng được thực hiện tại gan nhằm điều hòa hoạt động trao đổi chất của cơ thể, giúp con tôm sinh trưởng và phát triển một cách bình thường.

Hiện nay, hầu hết các loài thủy sản được nuôi theo mô hình thâm canh với mật độ và năng suất cao. Trong mô hình này, nếu việc quản lý chất lượng nước, thức ăn và sức khỏe kém sẽ gây stress cho động vật thủy sản nuôi. Trong điều kiện như vậy, hoạt động của các tế bào gan sẽ bị ảnh hưởng và chức năng của gan sẽ bị suy yếu. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm, chất độc không được loại thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể nên sức khỏe giảm sút và dễ mẫn cảm với mầm bệnh.

Bên cạnh đó, nếu việc bảo quản thức ăn và nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn không phù hợp (độ ẩm cao, nhà kho không thông thoáng, nhiệt độ cao, thời gian bảo quản dài…), là điều kiện rất thuận lợi để các loài nấm mốc phát triển và sản sinh độc tố. Sự hiện diện của độc tố nấm mốc trong thức ăn gây tác động xấu đến cơ thể động vật thủy sản nuôi nói chung và tôm nói riêng, đặc biệt là gan vì gan là cơ quan phải hoạt động với cường độ cao để loại thải các độc tố này ra khỏi cơ thể. Tùy theo nồng độ của độc tố nấm mốc mà mức độ ảnh hưởng đến chức năng của gan sẽ khác nhau. Ở mức độ nặng, gan bị xơ nên không thực hiện được chức năng bình thường của nó. Hậu quả là tôm/cá chậm hoặc không lớn, sức khỏe yếu, dễ bị bệnh và tỷ lệ chết khá cao.

Việc sử dụng các chất tăng cường chức năng gan trong điều kiện nuôi thâm canh với mật độ cao và thức ăn có nguy cơ nhiễm độc tố nấm mốc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu những tác hại của các yếu tố này đến hoạt động bình thường của gan.

Các chất thường được sử dụng trong chế phẩm tăng cường chức năng gan trên động vật thủy sản là sorbitol, inositol, choline và methionine.

Sorbitol có vai trò kích thích sự tiết mật và các enzyme tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, sorbitol còn kích thích việc tiết ra một số hormone nhằm duy trì hoạt động bình thường của gan và cơ thể.

Inositol và choline giúp cơ thể tăng cường việc sử dụng chất béo, làm giảm việc tích lũy chất béo trong gan và cơ thể do thức ăn có nhiều chất béo hoặc tỷ lệ năng lượng/protein cao hơn mức thích hợp (thức ăn chứa nhiều chất bột đường và hàm lượng protein thấp). Hơn nữa, chúng còn giúp tăng cường việc chuyển hóa chất béo tích lũy trong gan thành phospholipid, vừa có tác dụng giảm hàm lượng chất béo trong gan vừa cung cấp phospholipid cho nhu cầu của cơ thể.

Một vai trò rất quan trọng của gan là việc loại thải các chất độc sinh ra trong quá trình trao đổi chất, độc tố nấm mốc và kháng sinh sử dụng khi điều trị bệnh nhiễm khuẩn trên động vật thủy sản. Tại gan, những chất độc này được chuyển hóa thành những chất không độc trước khi loại thải ra khỏi cơ thể bằng một loạt các phản ứng sinh hóa phức tạp. Một số phản ứng sinh hóa trong quá trình chuyển hóa chất độc này cần sự hiện diện của nhóm methyl (CH3). Nếu không có nhóm methyl thì các phản sinh hóa này sẽ không thực hiện được. Vì vậy việc sử dụng methionine và choline trong chế phẩm tăng cường chức năng gan là nhằm cung cấp nhóm methyl cho các phản ứng sinh hóa này.

Sự hiện diện của sorbitol, inositol, choline và methionine trong chế phẩm tăng cường chức năng gan hỗ trợ gan loại thải hiệu quả các chất độc ra khỏi cơ thể và duy trì các hoạt động chức năng ở mức bình thường, giúp động vật thủy sản nuôi sinh trưởng và phát triển nhanh, duy trì tình trạng sức khỏe tốt và ít bệnh.

Sử dụng các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa thức ăn cho tôm

Như đã nói ở trên, quá trình tiêu hóa hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn là nhờ vào hệ thống các enzyme tồn tại trong đường ruột của tôm. Tuy nhiên, trước sức ép của sự khan hiếm nguồn nguyên liệu, các nhà sản xuất thức ăn tôm công nghiệp thường sử dụng những nguồn nguyên liệu thay thế rẻ tiền, dễ kiếm, nhưng thành phần nghèo nàn, trong đó có các nguồn protein không tiêu hóa và khó tiêu hóa khá cao. Hoạt độ của hệ enzyme có sẵn trong đường ruột tôm không đủ để tiêu hóa triệt để nguồn protein này. Từ đó, để có đủ dinh dưỡng cho tôm cần lượng thức ăn nhiều hơn, kéo theo là lượng dư thừa và thải ra môi trường do không tiêu hóa cũng nhiêu hơn. Làm tăng FCR, tăng ô nhiễm môi trường.

Giải phát tối ưu khắc phục vấn đề này là bổ sung chế phẩm sinh học (Probiotic) vào thức ăn tôm. Đây là giải pháp sinh học có tác động tích cực đến quá trình trao đổi chất trên tôm, cũng như thân thiện với môi trường.

Do đó, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh (Probiotic) chứa các vi sinh vật có khả năng sản sinh các enzyme tiêu hóa có hoạt tính cao như Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis, nấm men saccharomyces… khi được trộn vào thức ăn sẽ giúp đẩy nhanh khả năng phân hủy và hấp thu thức ăn, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh hơn.

Các vi sinh vật này có khả năng phân hủy nguồn thức ăn là do chúng có khả năng sản sinh các hệ enzyme tiêu hóa như proteaza, amylaza,…để phân hủy các thành phần có trong thức ăn, giúp vật nuôi dễ hấp thu hơn.

Bên cạnh vai trò hỗ trợ tiêu hóa thức ăn cho tôm, nhóm các vi khuẩn và nấm mem này còn có khả năng tổng hợp các chất ức chế ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh vi khuẩn có thể tiết vào môi trường chất có tính sát khuẩn hoặc kìm hãm khuẩn gây ảnh hưởng đến quần thể vi sinh khác. Mục đích gián tiếp là cạnh tranh dinh dưỡng và năng lượng có sẵn trong môi trường. Nghiên cứu của Stein (2005) cho thấy tiềm năng sản sinh chất kháng sinh của B. subtilis đã được ghi nhận hơn 50 năm qua.

Chúng ta cũng có thể dùng các men (hay các enzyme) ngoại bào như cellulose, (β-glucanase), xylanase, phytase, protease, lipase và galactosidase, bổ sung trực tiếp vào thức ăn để thực hiện mục đích hỗ trợ tiêu hóa cho tôm.

Những thông tin cụ thể trong việc sử dụng các enzyme bổ sung vào thức ăn nuôi tôm được liệt kê dưới đây

Tác dụng & lợi ích của Enzyme bổ sung vào thức ăn:

  • Giảm độ nhớt trong tiêu hóa
  • Tăng cường tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng đặc biệt là chất béo và đạm
  • Cải thiện giá trị năng lượng trao đổi có hiệu chỉnh N của chế độ ăn
  • Tăng lượng thức ăn ăn vào, hệ số thức ăn và tăng trưởng
  • Giảm thải amoniac
  • Cải thiện khả năng tiêu hóa dinh dưỡng
  • Các enzyme nội sinh được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của tôm và cá giúp phá vỡ các phân tử hữu cơ lớn như tinh bột, cellulose và protein thành những chất đơn giản hơn.
  • Quá trình tiêu hóa carbohydrate cải thiện bằng cách sử dụng enzyme từ vi khuẩn. Bổ sung các enzyme carbohydrate ngoại sinh vào thức ăn làm tăng việc sử dụng các carbohydrate trong thức ăn. Một lượng lớn các polysaccharide không phải tinh bột (NSP) như cellulose, xylan và mannan làm giảm giá trị dinh dưỡng của nhiều loại thành phần thực vật. Enzyme trong đường ruột để tiêu hóa các loại carbohydrate này không được sản sinh bởi hầu hết các động vật.

Enzyme và chức năng:

  • Các enzyme ngoại sinh hiện nay được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới như các chất phụ gia quan trọng với động vật thủy sản.
  • Động vật thủy sản thiếu một số enzyme tiêu hóa nhất định trong giai đoạn mới phát triển hoặc trong suốt đời sống của chúng. Trong trường hợp tôm và cá thiếu các enzyme thì việc bổ sung các enzyme này sẽ giúp tận dụng tốt hơn các phần nhỏ dinh dưỡng nhờ được tiêu hóa bởi các enzyme.
  • Trong thành phần thức ăn thủy sản có nhiều chất khó tiêu hóa, thậm chí cản trở quá trình tiêu hóa (kháng dinh dưỡng), tuy nhiên hàm lượng và loại enzyme trong cơ thể động vật thủy sản không đủ để đáp ứng quá trình phân hủy này.
  • Việc áp dụng các enzyme có thể là một giải pháp để làm giảm tỷ lệ tử vong của ấu trùng ở động vật thủy sản. Đường ruột của ấu trùng thuỷ sản ngắn và tương đối kém phát triển ở giai đoạn ấu trùng. Việc cho ăn ấu trùng sẽ có lợi từ việc sử dụng enzyme.
  • Tác động của các Enzyme bổ sung vào thức ăn cho động vật thủy sản:
  • Mỗi một loại hợp chất có trong thức ăn sẽ có một loại enzyme riêng biệt cần thiết cho quá trình phân giải hợp chất đó để nó trở thành dạng đơn giản hơn cho cơ thể hấp thu và tăng trưởng.

Trường hợp cần thiết bổ sung enzyme cho động vật thủy sản:

  • Giai đoạn còn nhỏ.
  • Đường ruột đứt khúc, lỏng lẻo.
  • Kém ăn, giảm ăn, tiêu hóa kém.
  • Giai đoạn sử dụng kháng sinh trong chu trình nuôi
  • Giai đoạn sau khi hết bệnh
  • Chậm lớn
  • Điều kiện môi trường bất lợi.
  • Nuôi mật độ cao (hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường)
  • Phòng ngừa bệnh gan (hỗ trợ và giảm tải cho hệ thống gan tụy trong quá trình tiêu hóa).
  • Vùng xung quanh bị dịch bệnh (nhằm hỗ trợ tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch).

 

Bình Minh - Tổng hợp

Các tài liệu tham khảo

[1] Th.S Phạm Minh Nhựt - Bộ môn Công nghệ Sinh học - Trường đại học Công nghệ tp Hồ Chí Minh

Vai trò của bacillus trong nuôi trồng thủy sản

[2] https://thefishsite.com/articles/importance-of-feed-enzymes-for-shrimp-and-fish-in-sustainable-aquaculture-1

Lucy Towers.

Importance of Feed Enzymes for Shrimp and Fish in Sustainable Aquaculture

[3].http://www.thuysanvietnam.com.vn/tang-kha-nang-tieu-hoa-va-hap-thu-thuc-an-cua-thuy-san-article-18126.tsvn. Thứ 6, 25/08/2017 - Thái Thuận

Tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của thủy sản

[4]. PGS. TS Trần Thị Thanh Hiền - Bộ môn Dinh dưỡng và Chế Biến Thủy Sản – Khoa Thủy Sản – Trường Đại học Cần Thơ.

Giáo trình “Dinh dưỡng và thức ăn thủy sản”

https://uv-vietnam.com.vn/newsdetail.aspx?newsid=2940

[5]. Ts. nguyễn như trí, khoa thủy sản, đại học nông lâm tp. hồ chí minh

Vai trò của các chất tăng cường chức năng gan trong nuôi trồng thủy sản 

 

Nhắn tin đến Aqua Pro
Đóng
facebook
email